Thấu hiểu Quỹ đầu tư mạo hiểm

© Tiến Nguyễn

Được nhen nhóm ý tưởng vào thập niên 50 ở vùng đất hoang dã California nuôi dưỡng sự liều lĩnh và giấc mơ Mỹ, ngành đầu tư mạo hiểm là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển thần tốc không chỉ của kinh doanh hiện đại mà còn của công nghệ và đổi mới sáng tạo trên khắp thế giới. Những công ty công nghệ ngày nay hướng tới các quỹ đầu tư mạo hiểm để chia sẻ ý tưởng, tìm kiếm sự kết nối, hỗ trợ tài chính và góc nhìn chiến lược. Việc thấu hiểu nguồn gốc lịch sử, động lực đầu tư, mong muốn lợi nhuận và hoạt động thường nhật của các công ty quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital VC) là yếu tố then chốt giúp (1) các nhà sáng lập có chiến lược gọi vốn phù hợp(2) các nhà đầu tư truyền thống có thêm cách tiếp cận đầu tư mới và (3) nhà hoạt định chính sách có cách thức thu hút đầu tư hiệu quả trong bối cảnh công nghệ đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế. Loạt bài THẤU HIỂU QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM nhằm mục đích đưa ra những góc nhìn chính thống về ngành đầu tư mạo hiểm và phân tích các yếu tố liên quan, phục vụ cho 3 nhóm đối tượng nêu trên.Ở mỗi nơi trên thế giới, tuỳ theo độ phát triển của nền kinh tế, chất lượng doanh nghiệp và chính sách của nhà nước, các VC sẽ vận hành theo một số cách khác nhau và phục vụ các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, một quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ (1) huy động vốn từ các tổ chức khác để (2) đầu tư vào vốn chủ sở hữu của (3) các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hoặc Startups có tốc độ tăng trưởng cao. 

Phần 1: Nguồn vốn của VC

Những công ty quản lý VC (venture investment firm) không dùng toàn bộ tiền của chính họ để đầu tư mà họ là những nhà quản lý nguồn vốn chuyên nghiệp, sử dụng nguồn vốn của nhiều tổ chức khác nhằm đầu tư sinh lời. Các đối tác đầu tư vào VC thường là các tổ chức như:

  • Quỹ lương hưu (Pension Fund): Thông thường là quỹ của nhà nước và quản lý nguồn lương hưu của người lao động. Các quỹ này là đối tác quen thuộc của các VC, đặc biệt là khu vực Âu Châu do khả năng thống nhất trong một số mục tiêu công nghệ và phát triển bền vững. Không có nhiều VC Đông Nam Á tiếp cận được nguồn quỹ này. AP4 và AP6 của chính phủ Thuỵ Điển là một trong số những quỹ điều phối tỷ lệ vốn vào các VC nhiều nhất hiện nay với khoảng 11% đến 15% tổng lượng tài sản được quản lý (Asset Under Management AUM). 

Theo quan điểm chúng tôi, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư hiệu quả, các nước trong khu vực cần mở rộng khả năng hợp tác giữa các quỹ lương hưu với các VC. Điều này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đào tạo nhân lực liên quan và thể chế hoá để tăng hiệu quả quản lý nguồn vốn này.

  • Quỹ hiến tặng của các đại học (University Endowment UE): Các quỹ hiến tặng của Đại học góp phần phát triển những nghiên cứu khoa học nền tảng. Các quỹ này cùng với nguồn tri thức dồi dào từ đại học là cơ sở để tăng thêm khả năng kết nối và giải quyết vấn đề của các công ty trong danh mục đầu tư của VC. Trong năm 2019, nguồn vốn đầu tư vào các VC của UE được đánh giá là có hiệu quả cao nhất, mang lại lợi nhuận trung bình 13.4%/năm, theo The National Association of College and University Business Officers – 2019 NACUBO-TIAA Study of Endowments.

Các đaị học trong khu vực đa số tập trung dòng tiền vào tối ưu cơ sở hạ tầng và các hoạt động nghiên cứu, chúng ta chưa có đủ dòng vốn lâu đời và bền vững như các nền kinh tế phương Tây để có thể tăng tỷ lệ đóng góp vào UE để từ đó điều hướng vào các VC. Trường hợp thành công nhất của dạng quỹ này là National University of Singapore Endowment đầu tư theo phong cách của Đại học Yale: dài hạn, đa dạng tài sản, đa dạng nguồn ngoại tệ và đối tượng đầu tư toàn cầu. Quỹ này cũng chỉ dành 20% cho các dạng đầu tư vốn chủ sở hữu, một phần rất nhỏ trong đó là VC. 

  • Ngân hàng: Là nhóm nhạy cảm với rủi ro, ngân hàng duy trì một lượng rất nhỏ vốn của họ đầu tư vào các quỹ VC trong suốt lịch sử của ngành này. Hiện nay, một số ngân hàng như Goldman Sachs đầu tư trực tiếp vào các Startups như trường hợp gần đây là dẫn dắt Series C 81 triệu USD vào startup fintech Amount trụ sở tại Chicago, IL. Các ngân hàng quan tâm đến các Startup FinTech vì khả năng hợp tác chiến lược hơn là lợi nhuận trực tiếp. Nhóm ngân hàng đầu tư đóng góp nổi bật vào ngành VC trong các hoạt động niêm yết IPO hơn là một nhà đầu tư.

Các ngân hàng Châu Á đặc biệt chưa áp dụng nhiều sự tương tác với các VC vào hoạt động của mình. Lý do chủ yếu là khả năng chấp nhận rủi ro của cả các chuyên viên ngân hàng được đào tạo bài bản lẫn nhà hoạch định chính sách tài chính đều không cao. Thị trường này cũng đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng lâu dài khiến cho hành vi đầu tư của số đông vẫn hướng vào những lựa chọn truyền thống và ít rủi ro. Hơn nữa, số lượng và chất lượng các startups ở khu vực chưa cao bằng phương Tây. 

  • Cá nhân có tài sản lớn (High Net Worth Individuals HNWI) và Family Offices: Các quỹ VC Âu Châu thường sử dụng nguồn vốn từ các tỷ phú dầu mỏ Trung Đông do mối quan hệ lịch sử và sự thiếu thốn nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp tại khu vực này. Tuy nhiên, việc quản lý mối quan hệ với nhiều nhà đầu tư dạng này sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực của VC. Các VC lớn có xu hướng huy động vốn từ một số ít nhà đầu tư lớn hơn là nhiều HNWI. Các VC nhỏ thường sẽ huy động vốn HNWI cho tới khi họ có đủ uy tín và kinh nghiệm để huy động từ các đối tác lớn hơn. Một số nhân vật nổi tiếng như Jared Leto, vai Joker trong Suicide Squad, ca sĩ chính của band 30 Seconds to Mars, sở hữu danh mục đầu tư ấn tượng bao gồm Uber, Airbnb, Spotify, Nest, Reddit, Slack, Snapchat.

HNWI tại khu vực châu Á khá nhiều và lượng tiền họ có đủ để tạo động lực rất tốt cho các VC và startups. Tuy nhiên, đa số các HNWI có nhu cầu đầu tư sang các khu vực Âu Mỹ để hưởng lợi từ các chính sách nhập cư cũng như tin tưởng hơn vào các nhà quản lý quỹ phương Tây. Bản thân các HNWI trong khu vực gặt hái được lượng vốn như hiện tại từ các ngành truyền thống, khiến cho khoảng cách niềm tin giữa họ và các quỹ mạo hiểm vào công nghệ cách khá xa nhau.Các tổ chức/cá nhân này khi góp vốn vào VC sẽ được gọi là Limited Partner (LP).Một số VC được hình thành bởi các nhà sáng lập từng thoái vốn (exit) thành công khỏi các startups sẽ có khuynh hướng sử dụng dòng tiền của chính mình để khởi tạo nguồn vốn ban đầu cho VC đó. Ví dụ như VC Andreessen Horowitz được thành lập năm 2009 với AUM ban đầu là 300 triệu USD từ Marc Andreessen sau khi thoái vốn khỏi Netscape.Một nguyên tắc quan trọng để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư là đa dạng hoá danh mục đầu tư. Nguyên tắc này được phát biểu như kiểu “không bao giờ bỏ trứng trong cùng một rổ”. Các tổ chức nêu trên có nguồn tiền lớn cần phải quản lý. Ngoài việc đầu tư vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu truyền thống, họ có nhu cầu đưa một phần nhỏ của lượng tiền mình huy động được vào các tài sản thay thế (alternative assets) có rủi ro cao với kỳ vọng lợi nhuận cao như các quỹ Phòng hộ (Hedge Fund) hoặc các quỹ đầu tư Vốn chủ sở hữu phi đại chúng (Private Equity), mà VC là một trong số đó. Thông thường, phần vốn được uỷ quyền hoặc góp vào các VC sẽ chiếm khoảng 2-5% tổng AUM. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang ngày càng tăng bởi sự quan tâm vào tác động của công nghệ đến sự phát triển quốc gia và những trường hợp thoái vốn thành công của các VC. Quỹ lương hưu AP6 của Thuỵ Điển hiện đang duy trì tỷ lệ 11% trong 2 tỷ USD AUM để đầu tư vào các VC. Một trường hợp thành công của quỹ này là nền tảng âm nhạc và truyền thông Spotify thông qua VC Northzone.Ngoài ra, các quỹ lương hưu có vòng đời dài, rất phù hợp với vòng đời của các VC, đa số là 10 năm.

VC ĐƯỢC GÌ KHI QUẢN LÝ NGUỒN TIỀN TỪ CÁC TỔ CHỨC NÀY?

VC thường thu phí với nguyên tắc “2 and 20”. 2% phí quản lý (Management Fee) hàng năm trên tổng AUM và 20% phí hiệu suất (Performance Fee hoặc Carried Interest) dựa trên tổng tăng trưởng của quỹ VC. Tuỳ thị trường và chiến lược của các VC mà số phí này có thể thay đổi. So với một số nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn vay, VC được cho là nguồn vốn đắt đỏ. Tuy nhiên, các LP luôn nắm được rằng ngành này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tập trung cao độ, thực chiến cùng các công ty trong danh mục đầu tư và một hệ thống những kiến thức, kỹ năng đặc thù. Đó là lý do các LP vẫn tin tưởng và ngày càng có nhiều VC ra đời.Để đảm bảo quyền lợi của các LPs, VC phải chịu những ràng buộc pháp luật liên quan đến nghĩa vụ của người được uỷ thác (Fiduciary Duty). Trong trường hợp này, VC được uỷ thác quản lý nguồn quỹ do các LPs sở hữu hoặc huy động được theo một số mục đích và phạm vi được thống nhất giữa các bên. Ràng buộc pháp lý này khiến VC phải thực hiện nghĩa vụ chuyên môn của mình một cách tốt nhất có thể, phục vụ cho lợi ích của các LP. Trong trường hợp ngược lại, các LP có thể kiện VC ra toà và các cá nhân gây sai phạm sẽ phải bồi thường tuỳ theo thiệt hại. Tuy nhiên, các vụ kiện được công bố khá ít và các bên liên quan thường chọn cách thương lượng để giải quyết vấn đề. Cái giá phải trả lớn nhất của VC là không thể kêu gọi thêm các nguồn vốn mới nếu như thể hiện khả năng quản lý quỹ và tạo lợi nhuận kém.

Trong phần 2, chúng tôi sẽ phân tích đặc tính chỉ lựa chọn đầu tư vào vốn chủ sở hữu của các VC những kỳ vọng của họ trong quá trình đầu tư.

Thấu hiểu Quỹ đầu tư mạo hiểm 2

© Tiến Nguyễn

Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành tài chính, đồng tiền luôn đứng trước áp lực mất giá do lạm phát và phải tạo ra thặng dư từ chính giá trị của nó thông qua hoạt động tài chính. Nhằm sinh lời của nguồn vốn mà bạn quản lý, bạn có nhiều lựa chọn như cho vay lấy lãi, đầu tư vào các quỹ khác, mua cổ phiếu, mua trái phiếu chính phủ, mua dầu hoặc các kim loại hiếm,… Tuy nhiên, nếu bạn đang quản lý một quỹ mạo hiểm, bạn sẽ chủ yếu đầu tư vào vốn chủ sở hữu của một công ty khởi nghiệp.

Phần 2: Đầu tư vào vốn chủ sở hữu doanh nghiệp

Khi một VC đầu tư vào một doanh nghiệp, đa số là các khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hoặc sở hữu công nghệ hứa hẹn sự vượt trội trong tương lai, VC sẽ mua phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó. Đó cũng là lý do vì sao các khởi nghiệp có định hướng huy động nguồn vốn từ các VC nên thành lập doanh nghiệp cổ phần để có thể chuyển giao phần vốn chủ sở hữu dễ dàng hơn.

Việc VC mua phần vốn chủ sở hữu trong một doanh nghiệp tương tự như việc mua cổ phiếu của một doanh nghiệp niêm yết, ngoại trừ việc sẽ có một số khác biệt sau:

  • Tính mở của thông tin: VC đa số đầu tư vào các công ty tư nhân (Private). Do đó, giá cổ phiếu và khối lượng đầu tư cho các khoản đầu tư này không bắt buộc phải được công bố cho công chúng như trường hợp mua cổ phần các công ty trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, một số thương vụ đầu tư của VC hiện nay được công bố kiểu như: “Công ty A được đầu tư 700,000 USD từ Quỹ X với định giá 7 con số”. Hoạt động này có mục đích truyền thông hơn là minh bạch thông tin đầu tư.
  • Tính thanh khoản: Không như cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân không có tính thanh khoản cao. Điều này có nghĩa là VC không thể dễ dàng bán đi phần vốn này để lấy tiền mặt hoặc các tài sản dễ thanh khoản hơn. Ngược lại, khi mua một cổ phiếu trên sàn HOSE chẳng hạn, bạn sẽ có thể thanh khoản nhanh hơn nhờ bán đi cổ phiếu đó hầu như bất cứ lúc nào ngay trên sàn với một mức giá được công bố.Muốn thanh khoản phần đầu tư này, các VC sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian, thông thường là 3 đến 7 năm, và giá cả phải được thương lượng. Đa số các startups còn khó thanh khoản hơn bất động sản. Các VC, dựa trên kiến thức chuyên môn, kỹ năng giải quyết vấn đề và độ nhạy cảm thị trường cũng như một ít may mắn, sẽ có thanh khoản từ khoản đầu tư này thông qua việc bán cổ phần của họ cho các quỹ đầu tư khác, các công ty khác hoặc trong một số trường hợp hiếm hơn là bán ra công chúng nhờ IPO (initial public offering).
  • Vai trò chủ động: Khác với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư chọn startups làm đối tượng đầu tư sẽ phải có vai trò chủ động hơn. Thông thường, họ sẽ phải sử dụng kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình để giúp startups thành công. Một VC thường sẽ đầu tư tương ứng 20-40% cổ phần một công ty khởi nghiệp để đảm bảo việc họ có ghế trong hội đồng quản trị và có tiếng nói trong các quyết định mang tính chiến lược.
  • Tạo ra cổ phần ưu đãi mới: Trong trường hợp mua bán cổ phiếu trên sàn, không có cổ phiếu mới được tạo ra. Ngược lại, khi một VC đầu tư vào một startup, một lượng cổ phiếu ưu đãi mớisẽ được tạo ra đổi lấy số tiền mặt mà VC chuyển vào tài khoản ngân hàng của startup thông qua nghiệp vụ góp vốn cổ đông. Lượng cổ phiếu tăng lên khiến cho quyền sở hữu doanh nghiệp của các nhà sáng lập (founders) và các nhà đầu tư trước đó bị pha loãng (dilute). Ngoài ra, các cổ phiếu tạo mới này thường là cổ phiếu ưu đãi (preferred shares). Có nghĩa là cổ phiếu mà VC sẽ được ưu đãi hơn các cổ phiếu thường (common shares) ở một số điểm như: ưu tiên thoái vốn, ưu đãi biểu quyết, ưu tiên không bị pha loãng trong vòng gọi vốn sau, ưu tiên được tham gia vòng gọi vốn sau hoặc ưu đãi cổ tức. Các quyền lợi này sẽ được thảo luận bởi các bên và chúng tôi sẽ phân tích kỹ trong loạt bài tới về Term Sheet.

Ở khu vực châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á, các VC thường yêu cầu các startups thành lập công ty mới để nhận vốn đầu tư. Địa điểm công ty mới được thành lập sẽ là các quốc gia có hệ thống dịch vụ tài chính cởi mở và chuyên nghiệp, pháp lý về đầu tư chặt chẽ hoặc dễ lưu chuyển dòng tiền góp vốn. Các địa điểm thường được chọn là khu vực mà quỹ đó đặt trụ sở, Singapore, Hongkong hoặc các thiên đường thuế Virgin Islands, Cayman Islands,… Điều này đôi khi dẫn tới một số rủi ro về pháp lý khi huy động dòng tiền đến thị trường thực sự của startups. Do đó, các startups và VC cần thảo luận kỹ càng, cũng như cân đối lợi hại khi lựa chọn phương án thành lập công ty mới ở một quốc gia khác nhằm nhận vốn đầu tư.

Vốn chủ sở hữu và nợ:

Như đã thảo luận ở bài trước, đầu tư mạo hiểm là quá trình đòi hỏi nhiều thứ hơn là tiền với rủi ro cao, do đó, chi phí của các khoản đầu tư vào vốn chủ sở hữu rất đắt đỏ. Khi đứng trước lựa chọn vay hoặc gọi vốn 2 tỷ VND cho một startup, bạn sẽ phải cân nhắc một số thứ: – Nếu vay, bạn sẽ ôm 1 khoản nợ cá nhân (vì một startup không có tài sản để thế chấp). Và nếu startup ấy thất bại, bạn buồn hai lần, một lần cho startup của mình và một lần nữa cho thời gian sắp tới phải cày cuốc trả nợ. 

– Nếu gọi vốn, bạn sẽ (1) không phải trả nợ cho VC vì đây là đầu tư, cùng sở hữu doanh nghiệp với nhau, đồng hội đồng thuyền. Bạn (2) không dễ gì thoát khỏi VC chỉ bằng cách trả hết nợ cho họ. Nếu startup phát triển mạnh mẽ, VC sẽ hưởng lợi nhiều hơn khoản mà ngân hàng thu được từ bạn. Đây là điều hiển nhiên vì rủi ro của VC cao hơn nhiều. VC sẽ tạo (3) áp lực thoái vốn bởi vì họ sẽ chỉ có khả năng sinh lợi cao nhất từ việc thoái vốn. VC sẽ không ở lại startups để hưởng cổ tức thường niên vì số tiền đó quá nhỏ so với rủi ro họ đang chịu cũng như lợi nhuận mà các nhà đầu tư cho họ hy vọng.Tạo mối quan hệ và thấu hiểu VC là cực kỳ quan trọng bởi vì rõ ràng là khi tranh chấp xảy ra, bạn không thể thoát khỏi VC một cách dễ dàng. Một ví dụ đình đám là vụ kiện năm 2017 của Benchmark Capital ra toà án Delaware buộc tội CEO UBER Travis Kalanick lừa đảo trục lợi cá nhân, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ uỷ thác. Vụ này một năm sau được bãi bỏ theo một thoả thuận nội bộ liên quan tới hợp đồng mua lại một phần vốn lớn ở định giá 48 tỷ USD (thấp hơn 30% so với định giá gần nhất) của UBER và một nhóm nhà đầu tư khác, dẫn dắt bởi SoftBank.Tuy nhiên, như đã nói, VC không chỉ đầu tư tiền. Họ là bệ phóng cho rất nhiều startups thành công nhờ kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và tầm nhìn chiến lược.Một Startup cần thấu hiểu và phân tích kỹ trước khi ra quyết định vay hay gọi vốn VC. Không bao giờ có nguồn vốn tốt nhất, chỉ có nguồn vốn nào phù hợp với doanh nghiệp nào vào một giai đoạn cụ thể mà thôi.

Trong phần 3, chúng tôi sẽ tập trung thảo luận về đối tượng được các quỹ đầu tư quan tâm nhất: Các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh.

Tư liệu về vụ kiện:https://www.courthousenews.com/…/Benchmark-Kalanick…

Đọc thêm bài viết tại: Vietnam Venture Capital | Startup Entrepreneurs, Investors & Innovators

#Investment#VC#VentureCapital#VentureInvestment

Thấu hiểu Quỹ đầu tư mạo hiểm 3

© Tiến Nguyễn

Vì sao các quỹ đầu tư mạo hiểm thường lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ mới nổi để đầu tư? Vì sao họ không đầu tư cho các doanh nghiệp cổ điển, ăn chắc mặc bền và yên tâm là dòng vốn của mình không mất trắng? Có nhiều thắc mắc về đối tượng mà các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ quan tâm.

Chân dung các doanh nghiệp này như thế nào và logic đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp này là điều mà chúng tôi sẽ thảo luận trong bài viết hôm nay.

Phần 3: Các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh.

Các doanh nghiệp cổ điển thông thường sẽ quyết định một thị trường nào đó để tham gia, sản xuất sản phẩm và dịch vụ rồi tìm cách để có các khách hàng đầu tiên. Dần dần tăng số lượng khách hàng trả tiền cho sản phẩm. Sau 3-4 năm tăng trưởng ổn định, kiểm soát chi phí và tăng dần lợi nhuận biên, các doanh nghiệp này tiếp tục cạnh tranh đến khi miếng bánh thị trường được chia và các chủ doanh nghiệp hưởng lợi từ các khoản đầu tư của mình, dĩ nhiên, một cách từ từ, sau khoảng 15-20 năm. Loại doanh nghiệp này sẽ thích dùng vốn vay hơn vì lợi nhuận của họ được lên kế hoạch để bù đắp các khoản tái đầu tư và vốn vay là dòng vốn rẻ như chúng ta đã biết.

Bức tranh hoàn toàn thay đổi khi chúng ta bàn về quỹ đầu tư mạo hiểm. Mục tiêu thành công của quỹ và nhà quản lý quỹ là gia tăng phần tài sản mà họ đang quản lý. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi định giá của doanh nghiệp mà họ đầu tư tăng lên, và phải tăng nhanh. Từ đó, quỹ có thể thoái vốn bằng cách bán lại cổ phần hoặc IPO. Với vòng đời thường là 10 năm, các quỹ mong muốn thoái vốn một phần hoặc tất cả trong khoảng 3-7 năm. Điều này, đối với doanh nghiệp nhận đầu tư, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng của họ phải vượt bậc trong khoảng thời gian này.

Ngành Đầu tư mạo hiểm được dẫn dắt bởi hy vọng tìm kiếm được 1 số ít các doanh nghiệp thành công và thành công đó phải lớn, gây tiếng vang và có giá trị cao. Trong danh mục đầu tư của các quỹ, 10 thương vụ thất bại sẽ có thể được cứu vãn bằng chỉ 1 thương vụ thành công. Một thương vụ thành công rực rỡ dạng Megahit có thể đẩy nhanh sự phát triển của cả ngành.Các megahit này sẽ được gọi bằng cái tên mỹ miều: “Unicorn”, là các startups có định giá trên 1 tỷ USD.

Thông thường các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chí (1) tốc độ tăng trưởng cao và (2) khả năng mở rộng nhanh là các doanh nghiệp có khả năng công nghệ đột phá (disruptive innovation). Giống như trường hợp UBER đã thực hiện được đối với ngành taxi.

Công nghệ hiện nay giúp cho số lượng người dùng tăng trưởng hầu như không giới hạn. Các mạng xã hội đang vận hành với số lượng người dùng bằng dân số những quốc gia đông dân nhất thế giới, điều mà trước đây, các doanh nghiệp tư nhân không thể nào mơ tới.

Chi phí để phục vụ một khách hàng mới hiện nay hầu như không đáng kể với các ngành công nghệ nhờ vào hạ tầng mạng phủ khắp và khả năng tự động hoá rất cao.Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng: VC là những thợ săn unicorn.Tuy nhiên, trong thực tế không dễ để phân biệt một con unicorn thực sự và một con ngựa già màu mè sặc sỡ.

Một startup cùng thời với tượng đài Amazon mà cái tên giờ đây ít người còn nhớ đến. Đó là Webvan. Thành lập năm 1996 với mô hình tạp hoá online, Webvan là một trong số những kẻ khai phát với định giá sau lần IPO chỉ sau 3 năm thành lập là 4.8 tỉ USD. Webvan phá sản sau khi IPO chỉ 2 năm. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra và phần lớn trong số đó trở thành bài học cho một unicorn thực sự cùng thời là Amazon.

Những nhà đầu tư cho Webvan qua các giai đoạn bao gồm nhiều tên tuổi lừng lẫy như Benchmark, Goldman Sachs, Softbank, Sequoia, Yahoo,… Ngay cả những cặp mắt siêu đẳng và đầy kinh nghiệm của ngành Đầu tư Mạo Hiểm cũng đôi lúc nhầm lẫn ngựa già và unicorn là vậy. Tuy nhiên, luôn nhớ rằng: thất bại là một phần của quá trình đầu tư mạo hiểm. Sequoia cũng đã có nhiều thành tích (traction) đáng ngưỡng mộ như đầu tư vào Google cùng Kleiner Perkins để không có quá nhiều người nhớ đến thất bại Webvan của họ nữa. Đến nay Sequoia vẫn là một trong số các công ty quản lý quỹ VC được tin tưởng nhất.Ngành đầu tư mạo hiểm tồn tại và phát triển dựa trên nguyên lý “Hits Driven”, rất tương đồng các ngành đào vàng, thăm dò dầu khí, thám hiểm vũ trụ, âm nhạc, văn học hay điện ảnh. Nhà đầu tư vào các ngành này thường phải nhìn trước được một viễn cảnh thành công, chịu mạo hiểm đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức để theo đuổi niềm tin. Với một chút may mắn, nếu thành công, sẽ là một thành công vượt bậc.

Trong giới văn học, ta có thể lấy J.K. Rowling làm ví dụ cho một entrepreneur. Cuốn “Harry Potter và hòn đá tiên tri” được nộp bản thảo cho 12 nhà xuất bản và đều bị từ chối. Chắc rằng có nhà sáng lập hay đi pitch sẽ thấu hiểu nỗi đau này. Khi Bloomsbury quyết định xuất bản cuốn sách, bản thân họ cũng như một nhà đầu tư mạo hiểm. Cho đến nay, Harry Potter vẫn là điểm sáng trong danh mục đầu tư của hãng này với 13% đóng góp vào lợi nhuận của năm 2018.Nhà đầu tư mạo hiểm không quan tâm đến một startup có lợi nhuận đều đặn và tăng trưởng chậm. Đối với chúng tôi, đó là những “xác sống” (walking dead), mà khi có quá nhiều trong danh mục, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể hoàn trả khoản đầu tư cho những nhà đầu tư của mình, chưa kể là làm gia tăng tài sản. Chúng tôi tìm kiếm những startup có khả năng tăng trưởng dạng “Hockey Stick” (như hình). Để đạt được hình thái tăng trưởng này, chúng tôi sẽ cam kết nhiều vòng gọi vốn, đủ để startup đạt được các điểm mốc nhất định (milestone).

Một VC khi đầu tư giống như việc phóng nhiều tên lửa lên mặt trăng (là khi chúng tôi exit). Nhiên liệu sẽ được đốt hết trong từng giai đoạn để vượt qua các tầng khí quyển và sức cản của trọng lực. Đây là từng vòng gọi vốn mà chúng tôi sẽ tham gia. Tên lửa nào không đến được mặt trăng thì coi như bỏ. Mặt trăng là đích đến tối thượng với một VC và những cột mốc khá trên đường không có mấy ý nghĩa.Tóm lại, hiểu được những nguyên lý này, các startup nên suy xét kỹ tầm nhìn và mô hình của mình để hiểu rõ điều mà VC muốn khi họ đề cập đến “một startup có tốc độ tăng trưởng cao”.

#VVCC #VCKnowledge #VCInsight

Read more at Vietnam Venture Capital | Startup Entrepreneurs, Investors & Innovators